Thân thế và sự nghiệp Trần_Cung_(nhà_thơ)

Ông tên thật là Nguyễn Ngọc Cư, quê làng Hội Khê, xã Vũ Hội, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Ông tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1923, gia nhập Đông Dương cộng sản Đảng năm 1929.

Tháng 3 năm 1930, ông tổ chức ở Chí Linh chi bộ Đọ Xá (chỉ sau hội nghị thành lập Đảng ở Hương Cảng có một tháng). Năm 1931 ông bị Pháp bắt giam ở nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) và sau đó lại đầy đi nhà tù Côn Đảo. Năm 1936, ông được trả tự do và trở về hoạt động công khai ở Thái Bình. Năm 1939, ông lại bị thực dân Pháp bắt trở lại, đến năm 1944 mới được ra tù và trở về hoạt động ở vùng Chí Linh - Đông Triều, tham gia thành lập Đệ Tứ chiến khu và tổ chức cướp chính quyền ở các tỉnh vùng duyên hải.

Năm 1946, ông là xứ ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ phụ trách 3 tỉnh Cao - Bắc - Lạng. Sau năm 1954, ông được phân công về Đảng đoàn, Thường trực Mặt trận Tổ quốc trung ương, Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính khu Tả Ngạn (8/1957 - 10/1958)[1]. Ngày 23 tháng 01 năm 1963, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ nhiệm ông làm thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao[2], Uỷ viên Uỷ ban thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao[3][4]

Ông mất ngày 9 tháng 10 năm 1995 tại Hà Nội, hưởng thọ 97 tuổi.

Năm 2005, sau mười năm ông qua đời, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, khóa XIII đã thông qua Nghị quyết đặt tên phố Trần Cung cho đoạn đường có chiều dài 1.600m, rộng 7m, từ đường Phạm Văn Đồng qua Bệnh viện E, đường Hoàng Quốc Việt đến đường Nguyễn Phong Sắc.[5]